Hotline: 0916539439 Email: hotro@vicosap.vn

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước

Ngày đăng: 11:09 AM, 07/05/2024 - Lượt xem: 676

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong tình cảnh đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Các phong trào vũ trang kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước song đều thất bại vì chưa có một đường lối kháng chiến đúng đắn. Chứng kiến sự bóc lột, đày đọa Nhân dân ta hết sức tàn bạo của thực dân Pháp; những điều tai nghe, mắt thấy về sự hy sinh xương máu to lớn của Nhân dân ta nhưng không đạt mục đích giải phóng dân tộc ta khỏi ách nô lệ đã thôi thúc Người đi tìm đường cứu nước. Hồ Chí Minh không “Đông Du” theo lời khuyên của các bậc tiền bối mà chọn con đường “Tây Du” sang Pháp và các nước đế quốc khác “xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào”. 

Hành trình “Người đi tìm hình của nước” và bài học cho thanh niên hôm nay -  Media story - Tạp chí Cộng sản

Nguồn ảnh: Tạp chí Cộng sản

Khoảng đầu tháng 9/1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907. Từ giữa tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở đây - ngôi trường nằm trên địa bàn một tỉnh cuối miền Trung, giáp ranh giữa Trung Kỳ (thuộc quyền cai quản của Triều Nguyễn) với Nam Kỳ (thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp). Ở vùng này hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước lánh nạn đàn áp của thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Trong số các sĩ phu đó có Phan Châu Trinh là người đưa ra kế sách cứu nước, trước hết phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tán thành đường lối của ông, các vị sĩ phu yêu nước đã lần lượt lập ra Hội Liên Thành, Liên Thành Thương Quán, Liên Thành Thư xã và Trường Dục Thanh. 

Trường Dục Thanh (cái tên hàm nghĩa giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ) nằm trong khuôn viên nhà gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà nho yêu nước. Ông Nguyễn Quý Anh, thường gọi là ấm Bảy, con trai của cụ Nguyễn Thông, làm Hiệu trưởng. Trường có bốn lớp: lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Học trò được học Hán văn, Pháp văn, Việt văn nhưng có chia ban, ban Hán văn thì học chữ Hán nhiều hơn, ban Pháp văn thì học chữ Pháp nhiều hơn. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, lúc đầu thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông. Thầy được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp nhì, phụ trách thể dục buổi sáng cho trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. 

Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời, song thầy giáo Nguyễn Tất Thành vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước. Thầy được học trò quý mến bởi vì thầy luôn thương yêu học sinh hết mực và có cách giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Những lúc học sinh mắc lỗi, thầy đều ôn tồn khuyên bảo, không rầy la, quát mắng như một số thầy khác. Những ngày chủ nhật và ngày nghỉ, thầy thường tổ chức những hoạt động ngoại khóa cho học sinh, có lúc lên chơi ở đình làng Thiên Đức (còn gọi đình Đức Nghĩa), có lúc lên đồi cây ở phía sau Tòa sứ, có lúc đưa học sinh đi bãi biển Thương Chánh. Trong những cuộc du lịch nhỏ đó, thầy Thành còn tổ chức những trò chơi được học sinh rất ưa thích. 

Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất say mê đọc sách. Trong khu vườn của gia đình cụ Nguyễn Thông, có một ngôi nhà được cụ đặt tên là Ngoạ du sào (có nghĩa là nơi nằm đọc sách mà như là du ngoạn trong thế giới hiểu biết), trên gác chứa nhiều sách tân thư do Trung Quốc dịch sang chữ Hán; thầy Thành thường đọc sách ở đó. Chính tại đây, qua tâm thư lần đầu tiên thầy Thành có dịp tiếp cận với tư tưởng của Lư Thoa (J.J.Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montes quieu), Phục Nhĩ Thái (Fr.Voltaire),... những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái,... 

Những ngày ở Phan Thiết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường Phan Châu Trinh vạch ra và đang được một số người có tâm huyết thực hiện: mở Liên Thành Thương quán, phát triển kinh tế để “hậu dân sinh”, lập Liên Thành Thư xã và Trường Dục Thanh để “khai dân trí”, đi diễn thuyết cổ động đồng bào để “chấn dân khí”. Nguyễn Tất Thành khâm phục lòng yêu nước của Phan Châu Trinh nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông. 

Với quyết tâm tìm cách ra nước ngoài, xem thế giới làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào, đầu tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn, ở tạm trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn, như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm); nhà số 128, Khánh Hội,...Tại đây, Nguyễn Tất Thành thấy rõ thêm sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước; trực tiếp đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hay học nghề ở Trường kỹ nghệ thực hành (École pratique d industrie), Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn (École des mé caniciens asiatiques de Saigon); làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên giặt quần áo cho các thuỷ thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu và tìm cách thực hiện chuyến đi xa. 

Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, được thuyền trưởng tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) của hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) nhận vào phụ bếp trên tàu. 

Ngày 5/6/1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước. 

Ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; năm 1922 xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp... 

Sau gần mười năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin vào nước ta, xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, làm nên cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân ta; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà... 

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người có một khoảng thời gian dù rất ngắn làm nghề dạy học nhưng đã để lại dấu ấn của một nhà giáo mẫu mực, tận tuỵ, hết lòng vì học sinh thân yêu - tấm gương ấy mãi mãi để cho chúng ta học tập và noi theo./.

Sưu tầm

CẬU BA DỪA SÁP - CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ HÀNH TRÌNH MANG DỪA SÁP VƯƠN XA

CẬU BA DỪA SÁP - CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ HÀNH TRÌNH MANG DỪA SÁP VƯƠN XA

09:58 AM, 07/05/2024 578
Cậu Ba Dừa Sáp ra mắt ngày 10 tháng 10 năm 2023, bài hát nói về câu chuyện cảm động về hành trình mang dừa sáp vươn xa. 
Tặng 15000 túi kẹo dừa sáp cho bà con vùng bị phong tỏa cách ly

Tặng 15000 túi kẹo dừa sáp cho bà con vùng bị phong tỏa cách ly

10:02 AM, 28/05/2022 833
Ngày 21/7, 5000 túi kẹo dừa sáp Vicosap đã được chuyển đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, để trao tặng cho bà con đang bị cách ly do dịch bệnh Covid-19.
Kẹo không đường có an toàn đối với bệnh nhân tiểu đường?

Kẹo không đường có an toàn đối với bệnh nhân tiểu đường?

09:41 AM, 06/05/2024 503
Không chứa đường không có nghĩa là không chứa calorie hoặc không có carbohydrate. Sự khác biệt chính giữa kẹo bình thường và kẹo không đường là loại chất làm ngọt được sử dụng.
Lần đầu tiên, Trà Vinh tổ chức lễ hội cho loại trái cây đặc sản chỉ có ở tỉnh này

Lần đầu tiên, Trà Vinh tổ chức lễ hội cho loại trái cây đặc sản chỉ có ở tỉnh này

09:42 AM, 22/04/2024 1071
Thông tin từ UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, vào cuối tháng 8/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp với UBND huyện Cầu Kè và một số đơn vị có liên quan tổ chức lễ hội dừa sáp. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức.
OCOP 5 SAO