Hotline: 0916539439 Email: hotro@vicosap.vn

Khởi nghiệp chế biến dừa sáp nhận Giải thưởng Lương Định Của

Ngày đăng: 11:16 AM, 08/11/2022 - Lượt xem: 1.1k

Mô hình khởi nghiệp từ chế biến trái dừa sáp của anh Trần Duy Linh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022.

Khởi nghiệp chế biến dừa sáp nhận Giải thưởng Lương Định Của

TRÀ VINH - Mô hình khởi nghiệp từ chế biến trái dừa sáp của anh Trần Duy Linh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022.

Đối với nhiều bạn trẻ, được làm chủ bản thân về kinh tế, công việc luôn là khát vọng cháy bỏng. Thế nhưng từ ước mơ đến hiện thực là khoảng cách rất xa, có khó khăn, có cả thất bại và thậm chí là nước mắt. Câu chuyện khởi nghiệp từ trái dừa sáp của anh Trần Duy Linh ở Trà Vinh là một điển hình. Đây cũng là một trong 32 gương tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay.

Empty

Anh Trần Duy Linh (giữa) nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 tối 4/11. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) chia sẻ: “Khi mình chọn trái dừa sáp là nguyên liệu thô để chế biến thì biên độ lợi nhuận rất thấp. Tuy nhiên, điểm được là sản phẩm đa dạng và mới trên thị trường”.

Với niềm tin như thế, anh đã mạnh dạn kết nối với vùng nguyên liệu của HTX Hoà Tân (xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè) để bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX Dừa sáp Hoà Tân, nếu không bán được cho công ty thì các thương lái vào vườn mua rẻ hơn khoảng 10.000 – 15.000 đồng/trái.

Có được nguyên liệu, anh Linh bắt tay vào chế biến các dòng sản phẩm. Ban đầu là kẹo dừa sáp nhiều hương vị rồi đến các sản phẩm khác. Với người chưa từng kinh doanh ở lĩnh vực thực phẩm, đó là khó khăn lớn. “Mình là người đầu tiên nên nghiên cứu sản phẩm gặp nhiều khó khăn về vấn đề bảo quản, hương vị”, anh chia sẻ.

Empty

Anh Trần Duy Linh (bên phải) lắng nghe khách hàng phản hồi về sản phẩm tại Văn phòng đại diện của Công ty tại TP Cần Thơ. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm mà anh Linh theo đuổi là dừa sáp chế biến không chất bảo quản, không phẩm màu, không chất tẩy trắng và ít đường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận là chuyện không hề dễ dàng. Sản phẩm quá mới, giá thành lại khá cao nên cần phải có chiến lược riêng. “Người ta không biết sản phẩm này có phải là dừa sáp hay không, chúng tôi phải mất nhiều thời gian cho quảng bá, truyền thông, thậm chí trưng bày để cho khách dùng thử” anh Linh tâm sự.

 

Sau chặng đường bắt đầu khởi nghiệp, tìm ra được sản phẩm, anh Linh đã được tỉnh Trà Vinh hỗ trợ tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại. Từ đó, anh mạnh dạn quảng bá để mọi người biết nhiều hơn về sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp. Trái dừa sáp tươi chỉ có thể sử dụng được khoảng 10 ngày, thế nhưng thông qua công đoạn chế biến, đã kéo dài thời gian sử dụng khi đến tay người tiêu dùng. Điển hình như hủ dừa sáp sợi có thời gian sử dụng lên đến 9 tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện uỷ Cầu Kè nhận xét: “Hướng của doanh nghiệp kết hợp với địa phương sẽ thu mua toàn bộ dừa sáp trên toàn huyện. Bà con sẽ không còn cảnh chạy xô đi bán chỗ này chỗ kia. Những sản phẩm dừa sáp không còn cảnh chế biến những món ăn thông thường, gọi là hàng thô nữa. Bây giờ tập trung chế biến những sản phẩm có thương hiệu”.

Empty

Sản phẩm của Công ty Dừa sáp Cầu Kè có mặt tại các hội nghị để quảng bá. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, nhiều sản phẩm của anh Duy Linh đã xuất khẩu và đưa vào hệ thống cửa hàng đặc sản. Đáng chú ý, 4 sản phẩm gồm dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp ca cao, kẹo dừa sáp nguyên chất và kẹo dừa sáp lá dứa đã được Sở NN-PTNT đánh giá có tiềm năng đạt OCOP 5 sao. Hiện Sở NN-PTNT Trà Vinh đã hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ NN-PTNT đề nghị đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Hai năm vừa qua là một phép thử khắc nghiệt nhất, đồng thời cũng thiết thực nhất đối với tất cả những thanh niên trong con đường lập thân, lập nghiệp hay khởi nghiệp tại nông thôn. Những mô hình còn trụ vững sau đại dịch Covid-19 đã phát triển một cách bền vững, đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới. Họ là những nhà nông trẻ cùng nhau xây dựng một lớp nông dân mới, hiện đại và văn minh hơn, cùng nhau hướng tới một nền nông nghiệp xanh.

 
Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn phát động. Đây là giải thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
 
Theo Minh Đảm - Báo Nông nghiệp
8 sản phẩm OCOP 4 sao chế biến từ dừa sáp, trai làng đưa đặc sản Trà Vinh tự tin bước ra thế giới

8 sản phẩm OCOP 4 sao chế biến từ dừa sáp, trai làng đưa đặc sản Trà Vinh tự tin bước ra thế giới

10:37 AM, 31/01/2023 2105
Anh Trần Duy Linh ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã có đến 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, đồng thời đang phấn đấu để có thêm khoảng 10 sản phẩm khác đạt chứng nhận 4 sao trong năm 2023.
VICOSAP ĐẠT CHỨNG NHẬN HALAL 

VICOSAP ĐẠT CHỨNG NHẬN HALAL 

09:01 AM, 04/12/2023 1392
Chứng nhận Halal là một loại chứng chỉ quan trọng trong cộng đồng Hồi giáo, đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với các quy tắc, tiêu chuẩn và yêu cầu được quy định trong luật Hồi giáo.
Chàng trai ‘biến’ trái treo lủng lẳng thành đặc sản cao cấp

Chàng trai ‘biến’ trái treo lủng lẳng thành đặc sản cao cấp

03:15 AM, 13/06/2022 1223
Anh Trần Duy Linh ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã chế biến dừa sáp tươi thành nhiều loại sản phẩm cao cấp.
Khám Phá Bảo Tàng Dừa Sáp Trà Vinh – Biểu Tượng Văn Hóa Quý Giá Của Vùng Đất Cầu Kè

Khám Phá Bảo Tàng Dừa Sáp Trà Vinh – Biểu Tượng Văn Hóa Quý Giá Của Vùng Đất Cầu Kè

08:34 AM, 19/11/2024 852
Bảo tàng Dừa Sáp Trà Vinh không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng mà còn là điểm đến du lịch độc đáo dành cho du khách muốn khám phá câu chuyện đặc biệt về cây dừa sáp – một loại cây chỉ có duy nhất ở vùng đất Trà Vinh. Được xây dựng với tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa....
OCOP 5 SAO